Những thành tích đáng nể của các “Quả Cầu Vàng”

Chiều 29/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao giải thưởng “Quả cầu Vàng 2011” cho 10 cá nhân trẻ có thành tích trong học tập, công tác, nghiên cứu khoa học trên 4 lĩnh vực Công nghệ thông tin - Truyền thông, Công nghệ Y- Dược, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường.

Tại lễ trao, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những thành tích đạt được của 10 chủ nhân “Quả Cầu Vàng” năm nay. Phó Thủ tướng khẳng định, những người được nhận giải thưởng hôm nay là tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ xứng đáng là những tấm gương để thanh niên cả nước cùng học tập.

Chủ nhân “Quả Cầu Vàng” lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thôngEm Nguyễn Vương Linh, sinh năm 1993, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội là cá nhân đạt giải thưởng trẻ tuổi nhất. Không chỉ đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 môn tin học năm học 2010-2011, Vương Linh đã đem về cho Việt Nam tấm Huy chương Vàng Olympic Tin học Quốc tế năm 2011 sau 8 năm chờ đợi.

PGS.TS. Lê Thanh Hương, sinh năm 1976, giảng viên bộ môn Hệ thống thông tin, Viện CNTT và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp Tiến sỹ ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên tại trường ĐH tổng hợp Middlex, vương quốc Anh năm 2004. Chị đã chủ nhiệm và tham gia chính nhiều đề tài trọng điểm cấp Bộ, cấp Nhà nước, có nhiều bài báo đăng trên kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành tin học. Năm 2011, chị vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư và là một trong những nữ PGS trẻ nhất ở Việt Nam.

TS. Cao Tuấn Dũng, sinh năm 1977, tốt nghiệp xuất sắc luận án Tiến tại Trường ĐH Nice-Sophia, Antipolis và INRIA-Viện Tin học và điều khiển tự động Quốc gia Pháp, hiện là Phó trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, Viện CNTT và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh là giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ đã có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp có giá trị khoa học và thực tiễn cao.

Lĩnh vực công nghệ y dược: Thạc Sỹ Kiều Văn Khương, sinh năm 1976, là Bác sỹ công tác tại bệnh viện Quân y 103 đã có các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn giúp cứu sống hàng trăm bệnh nhân. Đặc biệt anh đã đồng chủ nhiệm 2 đề tài cấp Nhà nước “Xây dựng quy trình hồi sức sau ghép tim thực nghiệm” và “Xây dựng quy trình hồi sức sau ghép tim”. Đây là công trình nghiên cứu khoa học quan trọng đóng góp vào sự thành công của ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 6/2010 do Học viện Quân y, Bệnh viện 103 thực hiện.

Tiến sĩ Đỗ Thị Hồng Tươi, sinh năm 1981, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ chuyên ngành Y sinh tại Đại học Rennes 1, Cộng hòa Pháp, hiện là giảng viên Đại học Y - dược TPHCM. Chị đã cùng nhóm nghiên cứu tìm ra một chế phẩm mới điều trị viêm xoang mũi và hiện đang phối hợp với 01 doanh nghiệp để đưa vào sản xuất trên quy mô công nghiệp, nếu thành công sẽ góp phần tạo ra những dạng thuốc chữa viêm xoang hoàn toàn mới trên thế giới với giá giảm 7 lần.

Dược sỹ Lê Anh Huy, sinh năm 1978, công tác tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Đồng Tháp, đã có rất nhiều sáng kiến, cải tiến quan trọng về công thức và quy trình sản xuất thuốc, giúp giảm giá thành sản xuất thuốc, đem lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân và doanh nghiệp. Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, như: chương trình khám, chữa bệnh từ thiện, chương trình uống nước, nhớ nguồn, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng.

Lĩnh vực công nghệ sinh học: Anh Ngô Minh Long, sinh năm 1977, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đã có rất nhiều sáng kiến và hoạt động đưa công nghệ sinh học ứng dụng vào phát triển nông nghiệp tại địa phương, đặc biệt sáng kiến về kỹ thuật sản xuất Bưởi Hồ Lô giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế lên 9 - 25 lần so với trồng bưởi 5 roi và vinh dự được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen năm 2010.

Chị Tô Thị Nhã Trầm, sinh năm 1983, người Tày, là tài năng trẻ duy nhất người dân tộc đoạt giải năm nay, tốt nghiệp và hiện đang công tác tại Trường ĐH Nông lâm TPHCM, say mê NCKH từ khi là sinh viên, đã từng đoạt giải Ba giải thưởng VIFOTEC dành cho sinh viên NCKH, giải Nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka, hiện đang tham gia nhiều đề tài NCKH có ý nghĩa thiết thực.

Lĩnh vực công nghệ môi trường: Tiến sĩ Hoàng Văn Sâm, sinh năm 1977, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, Trường ĐH Lâm nghiệp, là gương mặt sáng của các tài năng trẻ Việt Nam. Sau khi bảo vệ xuất sắc tiến sỹ tại ĐH Leiden, Hà Lan năm 2009 anh đã trở về nước giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hoàng Văn Sâm đã chủ trì 6 đề tài NCKH, trong đó có cả đề tài cấp Nhà nước, phát triển 1 công thức mới trong nghiên cứu bảo tồn thực vật “Chỉ số sử dụng tài nguyên rừng”, đặc biệt đã xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học Việt Nam hiện gồm thông tin của hơn 1000 loài và 3000 hình ảnh về các loài sinh vật Việt Nam, xuất bản 4 cuốn sách chuyên ngành, có 6 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1979, Phó Trưởng Khoa Công nghệ Hóa học Môi trường, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, là người say mê NCKH, tham gia nhiều đề tài NCKH, chủ trì 2 đề tài NCKH cấp Bộ trong đó có đề tài rất thiết thực là Nghiên cứu chế tạo than hoạt tính từ bã thải củ dong riềng tại các làng nghề và ứng dụng để tách một số ion kim loại nặng trong nước.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh